Vào năm 1659, tức là tám năm sau khi hai sách Quốc ngữ của Đắc Lộ được xuất bản tại La Mã, ba tài liệu viết tay bằng chữ quốc ngữ của hai người Việt ra đời.
Tài liệu viết tay năm 1659 của Igesico Văn Tín
Tài liệu viết tay năm 1659 của Bento Thiện
Tập lịch sử nước AnNam viết tay 1659 của Bento Thiện
BA TÀI LIỆU QUAN TRỌNG VỀ
CHỮ QUỐC NGỮ DO NGƯỜI VIỆT SÁNG TÁC
1. Tài liệu viết tay năm 1659 của Igesico Văn Tín
Tài liệu là một bức thư của Thầy giảng Igesico Văn Tín viết ngày 12-9-1659, hiện lưu trữ tại Văn khố Dòng Tên La Mã. Bức thư gồm hai trang giấy: trang nhất viết trong khổ 17x25 cm có 34 dòng chữ cỡ trung bình, trang hai trong khổ 16x9 cm, có 11 dòng chữ, kể cả dòng chữ ký tên.
2. Tài liệu viết tay năm 1659 của Bento Thiện
Đây là bức thư của Thầy giảng Bento Thiện viết ngày 25-10-1659, gửi L.m. G. F. de Marini, hiện lưu trữ tại Văn khố Dòng Tên ở La Mã. Bento Thiện biên thư này tại Thăng Long, vì lúc đó ông đang ở chung với L.m. Onuphre Borgès.
Bức thư gồm hai trang giấy viết chữ cỡ nhỏ, trong khổ 21x31cm. Khác với thư của Văn Tín, vì Thầy Thiện ghi rõ là thư gửi cho L.m. Marini. Dòng thứ nhất của bức thư, Thầy Thiện viết bằng chữ Bồ Đào Nha; dòng thứ hai, ông lại viết bằng chữ La tin; từ dòng thứ ba trở đi là bắt đầu lời thư và hoàn toàn viết bằng Quốc ngữ.
3. Tập lịch sử nước AnNam viết tay 1659 của Bento Thiện
Lịch sử nước Annam là tên tạm đặt cho tập tài liệu.
Tập Lịch sử nước Annam gồm 6 tờ giấy, tức là 12 trang, viết chữ nhỏ, phần nhiều các trang viết trong khổ 20x29cm. Tài liệu không ghi tên tác giả, nhưng nhờ chữ viết hoàn toàn giống nét chữ Bento Thiện, ngoài ra cũng chính Bento Thiện đã nhắc đến nó trong thư gửi cho Marini năm 1659, nên chúng tôi dám quả quyết do Bento Thiện soạn thảo.